Ngành cơ khí Việt Nam Cần tạo những bước đột phá mới

Mục tiêu của Việt Nam là trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 nên việc đẩy nhanh phát triển ngành công nghiệp cơ khí (CK) là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Cơ khí có mặt ở hầu hết các ngành kinh tế quốc dân như: Công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, thông tin truyền thông,… Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là ngành này đang ở trình độ kém xa so với khu vực và chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu trong nước.

Để thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải tạo đột phá cho ngành cơ khí.

Số liệu của Tổng cục thống kê cho biết, cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp (DN) cơ khí, với 53.000 cơ sở sản xuất, trong đó có gần 450 DN quốc doanh, 1.250 cơ sở sản xuất tập thể, 156 xí nghiệp tư doanh,… Sự phân bổ số lượng các DN nhà nước không đều, chủ yếu tập trung tại các thành phố Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng. Khoảng 50% cơ sở sản xuất CK chuyên chế tạo, lắp ráp, còn lại chủ yếu là các cơ sở sửa chữa. Tổng số vốn của ngành CK quốc doanh vào khoảng 360 – 380 triệu USD, tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành cơ khí vào khoảng 2,1 tỷ USD, trong đó, hơn 50% tập trung vào lĩnh vực lắp ráp ô tô, xe máy và các mặt hàng tiêu dùng khác.

Theo nhận xét của ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương): Công nghệ chế tạo CK nội địa về tổng thể vẫn là công nghệ chế tạo đơn giản, lạc hậu, trình độ kém hơn khoảng 2-3 thế hệ so với khu vực. Thiết bị phần lớn là vạn năng qua nhiều năm sử dụng đã lạc hậu về tính năng kỹ thuật, độ chính xác kém, thiếu phụ tùng thay thế, thiếu vốn để đầu tư thay thế, đổi mới, nâng cấp.

Tại nhiều hội thảo và ý kiến của các nhà lãnh đạo, các chuyên gia cho rằng, một trong những điểm yếu của ngành công nghiệp CK hiện nay là thiếu các nhà máy CK nặng để sản xuất các chi tiết cơ khí lớn cho dây chuyền thiết bị đồng bộ, thiết bị chuyên dùng và các thiết bị CK khác, điều này một mặt làm cho sản xuất CK của chúng ta trở nên thụ động, phụ thuộc vào nhập khẩu, đẩy giá thành sản xuất các dây chuyền thiết bị tăng lên, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm, mặt khác cũng làm cho tình trạng nhập siêu ngày càng gia tăng.

Mục tiêu chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 (theo Quyết định 186/2020 – TTg) phấn đấu đến năm 2010 sẽ đáp ứng 40% – 50% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Nhưng đến nay, ngành này mới chỉ đáp ứng được 20%-25% nhu cầu.

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam cũng cho biết, thực tế hiện nay chúng ta chưa có một cơ chế nào đủ mạnh làm đòn thúc đẩy toàn ngành chế tạo cơ khí. Việc hỗ trợ và phối hợp liên kết không thực hiện được cũng vì thiếu những chuyên ngành cơ khí cần thiết như các dự án sản xuất phôi thép rèn, đúc chất lượng cao, khối lượng lớn, áp dụng công nghệ mới, tiên tiến. Thiếu các DN trang bị máy gia công chế tạo thiết bị lớn, hiện đại trong nước. Đa phần các DN cơ khí đầu tư nhỏ lẻ vào khâu chế tạo, gia công kim loại, kết cấu thép; ngành hàng cần vốn đầu tư không lớn, có thị trường đầu ra nhưng đạt giá trị gia tăng thấp, chủ yếu giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Các DN nhà nước có nhu cầu đầu tư thường gặp phải rất nhiều khó khăn về thủ tục đầu tư phiền hà, về lãi suất, vì thế 24 dự án đã được Chính phủ phê duyệt đầu tư theo công văn 1457/CP-CN, ngày 27-10-2003 chỉ có 3 dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất được triển khai.

Nói về giải pháp tổng thể cho phát triển ngành CK trong nước thời gian tới, theo ông Thụ, cần phải nâng cao năng lực chế tạo thiết bị toàn bộ công nghệ tiên tiến, sản xuất được thiết bị có độ phức tạp cao để thay thế sản phẩm nhập khẩu và từng bước xuất khẩu. Nâng cao năng lực thiết kế thiết bị toàn bộ, gắn kết có hiệu quả với công nghệ của toàn ngành công nghiệp. Đầu tư có trọng điểm thiết bị và công nghệ vào các khâu cơ bản như: đúc, rèn, tạo phôi lớn để đồng bộ về thiết bị, đáp ứng yêu cầu chế tạo chi tiết, cụm chi tiết lớn, phức tạp. Còn theo ông Phạm Anh Tuấn, cần ưu tiên phát triển ngành chế tạo máy công cụ nhằm đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp. Nghiên cứu thiết kế, chế tạo các mẫu máy hiện đại và các thiết bị gia công đặc biệt. Đồng thời, đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa theo hướng điện tử – tin học hóa dàn máy công cụ hiện có trong các cơ sở công nghiệp.


Nhà cung cấp

Khách hàng