Thúc đẩy ngành cơ khí Việt Nam phát triển

Phát biểu tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam tổ chức ngày 24-9 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng nhấn mạnh: Cơ khí là ngành công nghiệp then chốt, là nền tảng và động lực cho sự phát triển công nghiệp của quốc gia, góp phần chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất lao động...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành cơ khí Việt Nam còn nhiều hạn chế, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn từ phía doanh nghiệp (DN), hiệp hội, cũng như từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo môi trường thuận lợi, huy động nguồn lực phát triển của ngành trong thời gian tới.

Chưa bảo vệ được thị trường trong nước

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, ngành cơ khí phát triển chậm và còn nhiều hạn chế. Việt Nam chưa có DN cơ khí lớn mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt. Phần lớn DN cơ khí trong nước có quy mô nhỏ, trình độ kỹ thuật kém, thiếu máy móc hiện đại, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí. Do đó, sản phẩm cơ khí Việt Nam mới đáp ứng được khoảng 32% nhu cầu cơ khí trong nước và có rất ít thương hiệu có thể cạnh tranh trên thị trường. Có thể nói, nhiều phân ngành cơ khí quan trọng như thiết bị toàn bộ, máy động lực, máy nông nghiệp, cơ khí đóng tàu thủy, cơ khí xây dựng, ô-tô,… đều đạt kết quả thấp so với Chiến lược phát triển đã đề ra, nhất là trình độ cơ khí chế tạo (trụ cột của sản xuất công nghiệp) lạc hậu so với nhiều nước từ hai đến ba thế hệ dẫn đến hàm lượng giá trị gia tăng nội địa trong ngành cơ khí còn hạn chế...

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, ngoài việc xuất phát từ chính các DN, còn do công tác quản lý nhà nước chưa hiệu quả. Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới 2020 đã được Chính phủ ban hành từ năm 2002, được Bộ Chính trị phê duyệt tháng 10-2003, nhưng tới năm 2011, thậm chí đến năm 2014, nhiều chính sách mới được thực thi. Không những vậy, việc tổ chức thực hiện, triển khai những chính sách này cũng thiếu nhất quán. Chẳng hạn, đã có chính sách về tín dụng theo Chiến lược phát triển ngành cơ khí phê duyệt tại Quyết định số 186/2002/QÐ-TTg, nhưng ít DN được hưởng các ưu đãi này. Quan trọng hơn, chưa có các chính sách hữu hiệu để bảo vệ, tạo dựng thị trường cho DN cơ khí phát triển, nhất là trong các dự án mua sắm, đầu tư từ ngân sách. Thậm chí, tiêu chí đấu thầu đối với các dự án lớn sử dụng sản phẩm cơ khí trong nhiều trường hợp lại tạo lợi thế cho các DN nước ngoài thắng thầu; điều kiện đàm phán mua sắm máy móc, thiết bị cũng thường bất lợi cho DN trong nước. Ðồng thời, thiếu chế tài cụ thể đối với các chủ đầu tư không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ trong việc sử dụng sản phẩm cơ khí trong nước.

Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) Ðào Phan Long cho rằng: Thị trường trong nước là “bệ đỡ” quan trọng để phát triển các ngành sản xuất, là “tài nguyên” của quốc gia. Hằng năm, Việt Nam nhập khẩu hàng chục tỷ USD trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất cho thấy dư địa thị trường trong nước cho các ngành cơ khí khá tiềm năng. Nhiều năm qua, Việt Nam đã đầu tư những nguồn lực lớn để phát triển các dự án năng lượng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, xây dựng giao thông cầu đường, cảng biển, hệ thống thủy lợi,… Ðây cũng là thị trường rất quan trọng với ngành cơ khí. Thế nhưng, do chưa có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ và khai thác hiệu quả thị trường này, cho nên phần lớn “miếng bánh” rơi vào DN nước ngoài.

Xây dựng chính sách sát thực tế

Ðặc thù của ngành cơ khí là sử dụng nhiều vốn và lãi thấp. Do vậy, rất cần những chính sách phù hợp, nhất là khi xuất phát điểm của các DN cơ khí trong nước đều có quy mô nhỏ và vừa, trình độ kỹ thuật còn hạn chế... TS Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VAMI chia sẻ: Với các chương trình đầu tư lớn như nhà máy thủy điện, nhiệt điện, đường sắt cao tốc, chống ngập mặn, cơ khí phục vụ giao thông, cầu đường,… cần xây dựng lộ trình về nội địa hóa. Riêng các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công cần tách bạch phần công việc DN trong nước có thể đảm nhận được để đấu thầu trong nước và điều này phải làm ngay từ khâu chuẩn bị dự án. Ðối với các gói thầu trong nước chưa hoàn toàn thực hiện được, cho phép đấu thầu trong nước với điều kiện nhà thầu trong nước được liên doanh với nhà thầu nước ngoài có đủ năng lực để làm chủ công nghệ. Mặt khác, các bộ, ngành, các chủ đầu tư cần tiếp tục thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển ngành cơ khí. Cụ thể, thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1791/QÐ-TTg về nội địa hóa các thiết bị nhà máy nhiệt điện. Riêng với Dự án Quỳnh Lập 1 là dự án thí điểm nêu trong cơ chế 1791, đề nghị Chính phủ bảo lãnh vốn cho thực hiện dự án. Trong quá trình thực hiện các dự án trên, phải có cơ chế giám sát, yêu cầu các chủ đầu tư thực thi đúng Luật Ðấu thầu để tránh phải sử dụng hàng hóa giá rẻ kém chất lượng; đưa ra hệ số đánh giá giá chào thầu căn cứ vào chất lượng, xuất xứ của thiết bị, hàng hóa.

Theo ý kiến của hầu hết các đại biểu, chuyên gia tham dự hội nghị, Nhà nước cần có những chính sách đặc thù để phát triển công nghiệp cơ khí quốc gia. Chủ tịch VAMI Ðào Phan Long kiến nghị: Chính phủ cần có một bộ phận thường xuyên giúp, tư vấn trong việc chỉ đạo và quản lý công nghiệp cơ khí của đất nước. Trước đây chúng ta đã có mô hình Ban chỉ đạo Chương trình cơ khí trọng điểm của Chính phủ và hoạt động tương đối hiệu quả. Bên cạnh đó, cần bổ sung các chính sách và biện pháp kiểm soát tối đa việc cho nhập khẩu máy, dây chuyền công nghệ sản xuất, phương tiện vận tải, hàng hóa đã qua sử dụng để bảo vệ sức tiêu thụ cho thị trường trong nước. Bên cạnh đó, tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ khác như: miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, cụm thiết bị dùng để chế tạo máy móc thiết bị thay thế nhập khẩu; sửa đổi mức thuế thu nhập DN cho một số ngành cơ khí ưu tiên như máy nông nghiệp và chế biến nông sản thực phẩm; tạo hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước đã sản xuất đạt chất lượng tương đương hàng nhập khẩu. Hay, với công nghiệp ô-tô sẽ không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng ô-tô sản xuất trong nước hoặc không tính thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện phụ để sản xuất linh kiện nội địa hóa.

Lắng nghe mọi ý kiến góp ý của các chuyên gia, đại biểu, đại diện DN tham dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá toàn bộ ý kiến đều là những kiến nghị rất tâm huyết, xác thực và giúp ích lớn cho ngành cơ khí. Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Công thương tiếp thu các ý kiến đóng góp, chủ trì, phối hợp các bên liên quan nghiên cứu xây dựng nghị quyết mới của Chính phủ về phát triển cơ khí và hoàn thành trong năm nay. Ðồng thời kêu gọi các nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước đang hoạt động trong ngành cơ khí tại Việt Nam nỗ lực hơn nữa, chủ động đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ, quản trị hiện đại nhằm tăng sức cạnh tranh. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đồng hành cùng DN để tạo nên một cuộc bứt phá mới trong phát triển ngành cơ khí Việt Nam, góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Nhà cung cấp

Khách hàng